
Con đường nón Huế có thể xem như con đường chảy của dòng sông Hương đưa du khách đến thăm các lăng tẩm, đền, điện. Sự khởi đầu có thể coi như là những hàng nón ngất trời bày bán ở chợ Ðông Ba. Chiếc nón Huế đa dạng và đủ kiểu lớn nhỏ nhằm cung ứng cho du khách ta, tây, người lớn, trẻ con. Giá nón cũng linh hoạt từ 9.000 VND cho đến chiếc nón chằm tỉ mỉ lên tới 20.000 VND. Có chiếc nón chỉ là hai lớp lá buông, nón dày thì thêm một lớp nữa.


Giá thành của chiếc nón là có bao nhiêu lớp lá đó mà ít du khách biết đến. Phần lớn họ thích có một chiếc nón "đề thơ". Chính vì vậy mà nón bài thơ Huế luôn luôn được du khách ưa chuộng. Thường thì ở giữa hai lớp lá, một lớp giấy được cắt chữ để khi đưa chiếc nón lên soi trong nắng sẽ đọc được hai câu thơ trong đó. Theo anh Hà, một du khách từ Hà Nội đến Huế thì tặng cho người yêu một chiếc nón bài thơ với hai câu thơ ưng ý là món quà có ý nghĩa nhất. Cho nên không ngạc nhiên khi ngành du lịch Huế phát triển, nghề chằm nón lá Huế cũng phát triển theo. Ðiều ngạc nhiên không kém chính là nón Huế được "chằm" ở bất cứ một làng quê nào ở Huế. Khi ghé chùa Thiên Mụ, tôi ngạc nhiên khi phía dưới chân chùa là "con đường hàng hoá" để du khách mặc sức mà mua những vật kỷ niệm. Thì con đường nón Huế cũng nằm dưới chân chùa do chính những người phụ nữ làng Sinh Hoà cách đó không xa sản xuất. Chị Cúc, người làng Sinh Hoà, cũng là chủ của một cửa hàng. Chị tranh thủ thời gian vắng khách chằm nón. Những chiếc nón được "sản xuất tại chỗ" ấy luôn tạo cho khách một cảm giác thân quen. Nón Huế thậm chí còn được mời chào tại ga xe lửa, bến xe và dĩ nhiên là khi xe chuyển bánh, những chiếc nón vẫy mời mua cũng là chuyện rất bình thường. Dĩ nhiên là với những địa danh nghe rất quen: Kim Long, An Cựu, Thượng Tứ, Vĩ Dạ... mỗi nơi cũng đều có một nơi làm ra chiếc nón Huế.
Yume
No comments:
Post a Comment