
Từ sau 30/04/1975, ca khúc Trịnh Công Sơn bắt đầu loang ra miền Bắc. Cho đến nay qua 35 năm thống nhất đất nước, ca khúc Trịnh Công Sơn đã quen thuộc trong cả nước đến độ chỉ cần gọi tắt là “Nhạc Trịnh” thì ai cũng hiểu.
Chính vì tình yêu đó mà thời đổi mới đã mọc lên bao “Quán Trịnh” trên mọi miền đất nước. “Quán Trịnh” ở các thành phố lớn đã như chuyện thường nhiên. Song “Quán Trịnh” ở các thị xã nhỏ thì là chuyện hiếm. Vậy mà đã có một “Quán Trịnh” như một “Cõi riêng” ở số nhà 34 đường Chiến Thắng Sông Lô, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang – nơi nhạc sĩ Dương Thụ với nhiều ca khúc nổi tiếng đã từng là giáo viên một trường cấp 3 của Tỉnh.
“Cõi Riêng” ở Tuyên Quang là ý tưởng của một thiếu nữ trẻ tên Nhân Sơn tuổi Mèo (1987 – Đinh Mão). Vì quá yêu “Nhạc Trịnh”, Nhân Sơn đã “mè nheo” ba mẹ - cũng là những tín đồ “Nhạc Trịnh” - cố gắng tạo ra một tụ điểm “Nhạc Trịnh” ở thị xã miền sơn cước này. “Quán Trịnh” Tuyên Quang chỉ nhằm một mục đích khiêm nhường dành cho những người thích “Nhạc Trịnh” có nơi để nghe những giai điệu liêu trai này với một tách cafe nhấm nháp cùng chén trà xanh chan chát dân dã, hay thêm vài ba ly rượu núi nồng ấm mỗi khi có bạn bè từ nơi khác tới chơi và lưu trú tại “Cõi riêng”.
Đem “Nhạc Trịnh” đến bên sông Lô lịch sử dường như đem đến cả những con sông Hương ở Huế, sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Côn ở Quy Nhơn, sông Cái ở Nha Trang, sông Sài Gòn ở thành Phố Hồ Chí Minh ... là những con sông mà Trịnh Công Sơn đã từng đến, cảm hứng ra những ca khúc của mình phức điệu cùng những tác phẩm viết về sông Lô.
Hôm rồi lên Đà Lạt, tôi lại nghe mấy người bạn thì thầm: “Cậu nên giành thời gian đến quán Diễm Xưa nghe Khánh Tâm hát nhạc Trịnh. Rất Khánh Ly mà không phải Khánh Ly. Như Lệ Thu mà không phải Lệ Thu. Lạ lắm”. Khi công việc đã mãn, tôi vội đến quán Diễm Xưa ở ngay cửa vườn hoa Minh Tâm, và thấy lời đồn đại quả là không ngoa.
Gia đình Khánh Tâm từ Bắc Ninh di cư vào Đà Lạt thời hiệp định Gèneve. Ngay từ khi còn nhỏ, Khánh Tâm đã từng đến các Bar ở Đà Lạt để nghe chị Mai (tức Khánh Ly hát nhạc anh Sơn (Trịnh Công Sơn)). Giọng hát mê hoặc của Khánh Ly đã thấm vào Khánh Tâm tự lúc nào không hay. Không chỉ say đắm Khánh Ly, Khánh Tâm còn bị hút hồn bởi Lệ Thu. Bởi thế, khi hát, Khánh Tâm đã thả giọng mình len lỏi qua vách núi âm thanh giữa hai giọng vàng kể trên. Khánh Tâm đã hát như thế cho chị Mai, cho anh Sơn, cho Lệ Thu nghe và thân thiết với Khánh Ly đến bây giờ. Cứ thế, Khánh Tâm vừa học, vừa làm điều dưỡng viên của UNESEP tại Sài Gòn rồi Đà Lạt, vừa hát nhạc Trịnh như niềm đam mê không dứt ở cõi đời.

Đêm Đà Lạt thoáng lạnh đã được sưởi ấm bằng giọng hát liêu trai của Khánh Tâm. Những giai điệu và lời ca Trịnh Công Sơn như bay qua đỉnh Langbian, hạ cánh vào tâm hồn dịu dàng như một nét môi mềm. Giọng Khánh Tâm bật sáng chất ngất như lửa bùng, trong khoảnh khắc này, trong quyến rũ bí ẩn khiến ta không cưỡng nổi. Đến khi nghe xác xơ “Rừng xưa đã khép” thì nhớ Tô Lịch “đoản mệnh” đến bật khóc. Nhớ mãi dáng phong trần sau cặp kính của chàng ca sĩ lãng tử vút lên những giai điệu vĩ cầm rồi rỉ rắc vào ta: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô...”. Có gì đồng cảm mà Khánh Tâm đã hát, đã đem ta vào nỗi nhớ Tô Lịch? Khánh Tâm cứ hát, cứ trào qua ta như luồng gió nóng thơm nồng men Cognac Hennessy. Cũng không thể không da diết nhớ Trịnh Công Sơn, khi nghe Khánh Tâm xoáy vào tâm tưởng: “Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về. Nhớ chân giang hồ ...”
Giữa cỏ, giữa hoa, giữa thông Đà Lạt, giọng hát Khánh Tâm với nhạc Trịnh hẳn cũng là một đặc sản độc đáo. Nơi nào có Khánh Tâm với nhạc Trịnh, hẳn nơi ấy sẽ làm quyến luyến bước chân nhiều du khách, thêm dùng dằng giữa “thành phố bốn mùa đông”.
Thế rồi, nghe tin sắp tới, Huế sẽ có thêm đường Trịnh Công Sơn, bỗng thấy dâng lên một cảm xúc bồi hồi. Cứ nghĩ, càng xa Trịnh Công Sơn, càng thấy anh hiện hữu hơn với đời sống.
Sau ngày thống nhất đất nước, những giai điệu Trịnh Công Sơn chảy tràn vào tôi suốt ngày đêm, nhưng mãi tới cuối 1976, tôi mới có dịp ở Huế dài ngày để ngẫm nghĩ về những giai điệu ấy trên những đường phố Huế và thốt lên: “Sông lặng im mà áo em gợn sóng – Mùa hạ nào mùa hạ nào hạ trắng”. Âm nhạc của Trịnh đã dâng hiến cho Huế nhiều biết chừng nào. Hầu như chẳng có ca từ nào nhắc đến một lần chữ “Huế” mà sao nó Huế làm vậy, Huế đến vậy. Bởi thế, từ lâu người Huế yêu anh, tự hào vì anh. Nhưng hơn thế nữa là Huế cũng đã từng làm cho Trịnh Công Sơn đau đớn biết nhường nào. Anh có căn nhà ở Huế nhưng rồi một lần nữa anh lại ly hương trở lại Sài Gòn. Đấy là một căn nhà tầng hai thuộc một chung cư hai tầng đầu dốc Phú Cam. Vào Sài Gòn nhưng Trịnh Công Sơn vẫn nhớ Huế, vẫn trống trải vì xa Huế đằng đẵng bao năm. Nhưng rồi “lòng thành cảm kích trời đất”, Trịnh Công Sơn đã dần dà có lại Huế trong mình và Huế cũng nhận ra mình có một Trịnh Công Sơn như một giá trị văn hoá cần trân trọng, lưu giữ.
Trong cái cảm xúc mơ hồ hỗn độn tôi tự hỏi không biết con đường mang tên Trịnh sẽ ở đâu. Nhưng bỗng sang lên cái ý nghĩ, trong lòng người Việt Nam luôn luôn có những giai điệu Trịnh Công Sơn, và đó cũng đã là một con đường. Con đường nhạc Trịnh.
Phương An ANVN14 (10/2010)
No comments:
Post a Comment