
Tấm biểu ngữ “Ðêm Nhạc Hải Ngoại” treo trên cành cây ở một con đường từ thôn bản dẫn đến sân bãi hát ở Bảo Yên, Lào Cai. Khi xưa, thời kỳ chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh thì nơi đây là vùng chiến khu Việt Bắc. (Hình: Ngành Mai)
Sân khấu thiết lập ngay trên bãi hát lộ thiên và Phi Nhung, Mạnh Quỳnh... đã vượt hằng mấy trăm cây số đường đèo dốc quanh co để có mặt tại nơi trình diễn. Ðối với khán giả hải ngoại thì đâu có lạ gì với các ca sĩ nói trên. Thế nhưng, vì đây là lần đầu tiên xuất hiện tại một địa danh thuộc miền thượng du Bắc Việt này, nên các ca sĩ đã được đồng bào, mà phần lớn là dân tộc thiểu số nồng nhiệt chào đón.
Trước đó một tuần, trên các ngả đường dẫn về địa điểm trình diễn huyện Bảo Yên, người ta thấy rất nhiều tấm biểu ngữ được treo trên các cành cây. Ðồng thời xe phóng thanh cũng chạy cùng khắp quảng cáo cho chương trình, do đó mà đồng bào dân tộc dù ở tận thôn bản cách xa hơn cả chục cây số cũng đều biết, và dĩ nhiên một số không nhỏ đã chờ đợi đến ngày để “chiêm ngưỡng dung nhan” ca sĩ hải ngoại.
Nếu là người ở xa đến đây, chắc sẽ ngạc nhiên, bởi đêm hát đã thu hút khá nhiều nam nữ người dân tộc thuộc lớp trẻ, quy tụ đông như ngày hội. Rất nhiều cô sơn nữ xinh như mộng từ các thôn bản xa xôi đã kéo nhau về coi hát, những bông hoa rừng biết nói đã cùng lúc tập trung về đây, tạo cho đêm hát một khung cảnh tuyệt vời hiếm thấy. Cái đáng để ý ở đây là các nàng sơn nữ ở miền núi phía Bắc có làn da trắng trẻo, với khuôn mặt, dóc dáng dễ nhìn, khác với các cô gái Thượng ở Darlac, Pleiku, Kontum có nước da ngâm đen.
Hình ảnh tổng quát là như thế, còn vấn đề tổ chức thì các bầu sô đã chơi cái trò ma giáo không đẹp chút nào, làm bực mình khán giả khiến cho một số bất mãn bỏ ra về. Số là suốt cả tuần trước đó chiếc xe có máy phóng thanh đi “chào hàng”, ra rả lập đi lập lại: Phi Nhung, Phi Nhung! Mạnh Quỳnh, Mạnh Quỳnh! Và quảng cáo giá vé vào cửa 20 ngàn người lớn, trẻ em được miễn mua vé, nhưng lại không bán vé dù có người hỏi mua trước. Mãi cho đến chiều tối trước giờ trình diễn độ 2 tiếng đồng hồ, thì họ đặt rất nhiều chiếc bàn bán vé, dán giấy ghi 40 ngàn người lớn, trẻ em 20 ngàn. (Hối suất tự do 20 ngàn khoảng 1 đô la).
Bà con thắc mắc phẫn nộ hỏi sao lại như thế, thì người bán vé trả lời gọn: Không biết! Và câu hỏi tại sao bảo rằng trẻ em được miễn, rồi giờ đây lại bán 20 ngàn? Họ trả lời: Trẻ em dưới 6 tuổi mới được miễn. Thế là huề cả làng. Tuy vậy số đông vẫn mua vé vào xem dù giá có tăng gấp đôi, chẳng lẽ đến đây rồi xách xe không chạy về.
Ðây là hình thức “đánh lận con đen “bởi trên vé không ghi giá tiền, khán giả dù có bực tức cũng đành chịu vậy, bởi nếu mua vé thì vào coi, không mua thì thôi chứ đâu có ai bắt buộc.
Theo như một vài người am tường sự việc thì nhà tổ chức nắm vững tình hình “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, biết chắc rằng sẽ rất đông đảo người dân tộc đi coi nên tăng giá vé để hốt bạc. Và người ta cũng phải nhìn nhận rằng sở dĩ buổi hát thành công lớn là nhờ quảng cáo khá mạnh. Tờ poster ghi: “Sân khấu được dàn dựng như sân khấu Thúy Nga Paris”, và “quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay”. Trời ơi! Sân khấu ngoài trời nếu cơn mưa đổ xuống phải chạy trối chết mà “hoành tráng” cái nỗi gì chớ! Paris by Night như thế sao? Nếu ông Tô Văn Lai có mặt tại đây chắc phải phát rét, phục sát đất mấy tay bầu sô này!
Tờ quảng cáo còn ghi thêm “mua một cặp vé được tặng một dĩa DVD xịn của Phi Nhung, kèm Poster, chữ ký”. Nhưng vào giờ chót mới bán vé liên tù tì, người người đứng chực trước bàn vé nên ít ai hỏi việc tặng dĩa, mà người ta cũng không thấy chiếc dĩa nào để ở bàn bán vé. Có người hỏi thì được trả lời: Tặng hết rồi!
Coi như vấn đề đã được nhà tổ chức sắp đặt một cách tinh vi, rút kinh nghiệm ở đâu đó không biết. Nghe nói đêm ấy bầu sô cho trình diễn tới hai nơi cách nhau cả trăm cây số, và các ca sĩ hải ngoại đã chạy sô cho kịp giờ. Bởi tại địa điểm này Phi Nhung, Mạnh Quỳnh hát đầu tiên, hát xong ra xe biến mất về hướng Yên Bái và hát cuối tại đây.
Một điều cũng cần nói thêm là bãi hát không có ghế ngồi, khán giả phải đứng coi, ai muốn ngồi phải mang theo ghế. Và do thế đất đồi núi, sân khấu lập giữa lưng chừng đồi, hàng rào bao quanh “rạp hát” là những tấm bạt nylon chỉ cao khỏi đầu. Do đó mà ngoài con số trên ngàn người mua vé vào “rạp”, bên ngoài vòng rào cũng trên cả ngàn người khác không mua vé, họ đứng trên đồi cao nhìn xuống coi khỏi phải mất tiền.
No comments:
Post a Comment