Dư âm lời khen dành cho Cú và chim se sẻ của Stephane Gauger cách đây vài năm đã kéo lượng lớn khán giả đến với Sai Gon Yo của đạo diễn này. Tuy nhiên, niềm lạc quan được thưởng thức một tác phẩm về người trẻ Sài Gòn, đã nhanh chóng bị dập tắt bởi những hạt sạn lớn đến mức ngô nghê.

Hầu hết các phim đề tài hip-hop trên thế giới đều xoay quanh một kiểu câu chuyện sẽ có một cuộc đối đầu giữa các nhóm nhảy để tìm ra nhóm chiến thắng với một phần thưởng vinh dự. Xen lẫn vào đường dây chính là số phận của các nhân vật, dưới tác động của cuộc sống, có người cần thi đấu để chứng tỏ mình vượt qua được giới hạn bản thân, người thi đấu vì phải thực hiện ước mơ của người mình yêu quí, có người cần nhảy nhằm thể hiện thông điệp không chấp nhận lùi bước… Và Sai Gon Yo cũng không nằm ngoài cấu trúc này. Sự đối đầu của hai nhóm nhảy Saigon Fresh và North Killaz nhằm tìm ra nhóm nhảy giỏi nhất Việt Nam đi dự giải đấu quốc tế tại Hàn Quốc là “xương sống” của phim. Những gút thắt còn lại được rải đều ở các tuyến nhân vật. Đầu tiên là Mai (Vân Trang) từ miền Tây lên Sài Gòn với ước mơ thi đậu vào trường múa, nhưng những gì Mai có chỉ là vốn liếng năng khiếu đơn giản của môn múa lụa. Thi rớt, Mai ở lại Sài Gòn và đi làm phục vụ tại một tiệm cơm. Ở đấy, Mai quen được Kim (Quỳnh Hoa)- một cô gái có xuất thân bụi đời và đang là thành viên của nhóm hip-hop Saigon Fresh. Nhờ Kim, Mai dần quen với thế giới của những đứa trẻ đường phố, những bài nhảy hip-hop đầy sôi động… Và cũng trong thời gian ấy, Kim quen được anh chàng nhà giàu Hải (Khương Ngọc), tình yêu vừa chớm nhưng cả hai phải đối mặt với chuyện môn đăng hộ đối, oái ăm hơn nữa khi Hải chuẩn bị đi du học nước ngoài… Liệu cú sốc tình yêu với Hải có giúp Kim vượt qua được nỗi mặc cảm của bản thân để bước vào cuộc đối đầu quan trọng trước nhóm nhảy North Killaz? Liệu Mai có tìm thấy được hi vọng vào trường múa sau khi đã quen với nhịp điệu của cuộc sống hè phố?...

Với một dàn diễn viên không hề có ngôi sao, áp lực của Sai Gon Yo rất lớn khi chỉ có câu chuyện đủ hay, diễn xuất của diễn viên đủ hấp dẫn mới có thể kéo khán giả đến rạp. Nhưng rất tiếc cả hai yếu tố trên đều không được Sai Gon Yo đảm đương tốt. Lời khen ngợi về diễn xuất trong phim có lẽ chỉ dành riêng cho vai nữ chính Quỳnh Hoa. Lần đầu tiên đóng phim, nhưng cô nàng sinh viên năm 1 (ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn) đã cho thấy một tiềm năng diễn xuất. Quỳnh Hoa biết cách làm cho Kim khiến khán giả xúc động ở những phân đoạn nhiều cảm xúc như lúc trò chuyện cùng Hải trước giờ thi đấu, biết cách lấy tiếng cười khán giả bằng những câu thoại dễ thương và chân thành khi Kim đi ăn tối lần đầu tiên cùng Hải… Ở Quỳnh Hoa không tìm thấy chút xíu nào kỹ thuật khi lột tả tính cách Kim, những gì tự nhiên nhất đều được Quỳnh Hoa (khá nổi tiếng trong giới chơi break-dance ở Sài Gòn) đưa vào nhân vật của mình. Nhưng cũng chính vì sự tự nhiên này mà đôi chổ Quỳnh Hoa không biết cách tiết chế diễn xuất, làm nhân vật bị “tự nhiên không kiềm chế” dẫn đến hơi ngô nghê… Biết diễn xuất, nhưng với một ngoại hình không thật sự “bắt mắt”, khả năng đi xa trên con đường điện ảnh của Quỳnh Hoa là rất nhỏ trong bối cảnh phim Việt nào cũng cần “trai đẹp gái đẹp”.
Quay lại với nội dung chính Sai Gon Yo, khán giả nào am hiểu một chút về break-dance sẽ dễ dàng nhận ra trong phim hoàn toàn không có bất cứ một biên đạo múa nào “cầm trịch” phần nhảy của diễn viên- đây là điểm “chết người” mà đạo diễn Stephane Gauger đã mắc lỗi. Từ đó dẫn đến việc diễn viên chỉ nhảy với những gì họ có, nhảy với những gì bản thân diễn viên cho là hay nhất…Trong toàn bộ diễn tiến phim chẳng hề thấy bất cứ màn nhảy tập thể nào dành cho từng nhóm. Thậm chí ngay cả khi hai nhóm Saigon Fresh và North Killaz thi đấu, cũng không có màn đấu tập thể. Mà với những ai có kiến thức về phim hip-hop luôn biết rằng, khi thi đấu với nhau hai nhóm phải triển khai bài nhảy tập thể trước (tất nhiên trong phần này vẫn bao gồm một vài màn solo cá nhân). Sau đó nếu xảy ra trường hợp khán giả và BGK không phân định được thắng thua thì các thành viên mới bắt đầu thi đối kháng kiểu 1-1, 2-2 hoặc 3-3 nhằm làm sáng tỏ hơn tố chất của từng thành viên, từ đó dẫn đến việc xét thắng thua rõ ràng. Trong Sai Gon Yo, các thành viên của hai nhóm nhảy thi đấu đúng theo nghĩa “cấp phường” chứ không hề mang đẳng cấp hai đội giỏi nhất quốc gia như kịch bản đưa ra. Đó là chưa kể hai nhóm nhảy trong ngày thi quan trọng nhất mà vẫn “mạnh ai nấy diện đồ”. Diễn viên không mặc đồng phục dẫn đến các màn biểu diễn cũng không tạo được hiệu ứng phối hợp nhịp nhàng giữa động tác và màu sắc trang phục, phụ kiện trên người- một trong những điểm gây ấn tượng về mặt thị giác cho khán giả đã bị bỏ qua rất đáng trách. Đoạn cuối phim khi đưa tiếng trống vào làm nhịp điệu cho bài nhảy thì các nhân vật vẫn nhảy loạn xà ngầu… Đến mức người xem ngạc nhiên không biết đưa mấy tiếng trống vào để làm gì- nếu nói là đưa nét văn hóa dân tộc kết hợp với văn hóa hiện đại, thì lẽ ra phải có một phần nhảy kiểu như các nhân vật mô phỏng các động tác chơi trống- nhưng trống thì cứ đánh cho vui và diễn viên vẫn cứ nhảy như bình thường.

Thông thường với các phim hip-hop khán giả luôn thấy sự vươn lên mạnh mẽ của nhân vật. Thế nhưng trong Sai Gon Yo thì mọi thứ cứ trôi tuột đi. Khi Mai rớt khỏi trường múa, cô không hề có bất cứ sự cố gắng nào để luyện tập và thi lại vào trường. Thậm chí cuối phim việc cô được thi lại (và đậu) phần lớn là nhờ vào sự gửi gắm của ông chủ nhà trọ do quen biết với thầy hiệu trưởng trường múa. Chưa kể việc Mai chỉ biết múa theo kiểu tự biên tự diễn, và chỉ vậy thôi, nhưng trong phim thì Do- Boy (Anh Hiền) trưởng nhóm nhảy Sai Gon Fresh- không cần biết khả năng múa của Mai thế nào song vẫn dám cho cô mở lớp dạy múa ngay tại trung tâm. Và tiếp đó là hình ảnh một đám trẻ nhỏ học múa lụa cùng cô giáo Mai- mà nếu cứ nhìn cách Mai múa trên phim thì thú thật không biết vị phụ huynh nào dám đưa con em mình đến cho Mai dạy ngoại trừ việc “kịch bản cứ thoải mái đưa vào”. Cùng với Mai, nhân vật Kim cũng là trường hợp khán giả không tìm thấy được niềm hi vọng gì vào tương lai của cô. Là trẻ bụi đời, từng quan hệ tình dục khi còn trẻ vị thành niên, công việc mưu sinh của Kim là đi làm trong quán ăn và làm tiếp thị sản phẩm… Việc của Kim trong phim là yêu đương và đi thi nhảy với kiểu tính cách lúc nào cũng muốn “ăn thua đủ” với đối thủ. Câu hỏi cho việc tương lai của Kim sẽ đi về đâu nếu cứ mãi như thế vẫn không được trả lời sau khi phim kết thúc. Thông điệp “Hãy tin vào giấc mơ” được in hoành tráng trên poster phim đã không được làm rõ nghĩa như khán giả mong muốn.

Và còn rất rất nhiều chi tiết khiên cưỡng nữa được đưa vào phim mà thiếu đi sự logic cần thiết. Ở phân đoạn Mai và Do-Boy đang đi lang thang trên đường phố tìm Kim, phần chuyển cảnh sau đó lúc Kim vì uống thuốc lắc mà ngất xỉu trên sàn nhảy một quán bar thì gần như ngay lập tức (không biết từ đâu) Mai cùng Do-Boy xuất hiện và ẵm Kim về nhà. Nhưng phân đoạn sau đó mới càng phi lý hơn, lẽ ra Mai phải đưa Kim về phòng trọ của mình để ngủ chung thì trái lại cô và Do-Boy lại mang Kim sang nhà ông chủ phòng trọ (đối diện phòng của Mai) để sáng mai Kim thức dậy và được ông chủ phòng trọ đãi ăn sáng. Sự phi lý của chi tiết này khiến cho khán giả xem phim rất bực mình, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với một cô gái trẻ bất tỉnh không biết gì ngủ trong phòng của một người đàn ông? Ngay cả chuyện Do-Boy là thành viên của một nhóm nhảy nhưng chẳng biết bằng cách nào lại có thể là quản lý của một trung tâm văn hóa? Rồi chuyện cái trung tâm ấy là di tích văn hóa (theo lời ông chủ phòng trọ) nhưng cả phim chỉ thấy được cái khoảng sân lát gạch xi măng và cái mái nhà tôn để nhóm Sai Gon Fresh tập luyện. Những chi tiết thiếu logic này phần lớn nằm ở khâu dựng phim. Ngoài ra những màn quảng cáo sản phẩm được đưa vào phim khá lộ liễu thêm một lần nữa chứng tỏ sự dễ dãi của êkíp làm phim.

Trong năm 2010, từng có một phim về đề tài hip-hop Việt là Vũ điệu đam mê và lúc xem xong phim này người viết đã không thể ngăn được mình mà phải thốt lên rằng “Đấy mà cũng gọi là phim được sao”. Giờ khán giả lại có thêm một Sai Gon Yo cũng nói về hip-hop Việt nhưng khi xem xong khán giả vẫn chẳng hiểu được hip-hop Việt cuối cùng là cái gì? Và như thế nào?

“Mong muốn của tôi là giúp các bạn trẻ có một tiếng nói về mình và giới thiệu cho cả thế giới một cái nhìn mới mẻ về mơ ước và những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của giới trẻ Việt Nam”, những lời tâm sự của đạo diễn kiêm biên kịch gốc Việt- Stephane Gauger (người từng được bình chọn là 1 trong 25 khuôn mặt nhà làm phim mới được lựa chọn bởi Tạp chí Nhà làm phim năm 2007) khi làm bộ phim Sai Gon Yo xem ra chỉ là… nói cho vui!
Theo Xzone
No comments:
Post a Comment